06 ĐIỀU QUAN TRỌNG CẦN DẠY CON KHI ĐỐI PHÓ VỚI NGƯỜI LẠ
Trong cuộc sống với nhiều nguy cơ như ngày nay thì việc để con tự lập là điều rất cần thiết, tuy nhiên, trước khi con tự lập thì rất cần hướng dẫn con cách tự bảo vệ mình, đặc biệt khi ở môi trường bên ngoài gia đình.
Ta thường nghe mẹ dạy: "Không được nói chuyện với người lạ!" Đúng vậy, để đảm bảo an toàn thì chúng ta thường đánh đồng tất cả người lạ để bảo vệ trẻ. Nhưng khi có việc đột xuất xảy ra, lại không có ba mẹ bên cạnh, thì con sẽ cần làm gì?
Đây là 6 gợi ý để ba mẹ hướng dẫn con khi ở môi trường buộc phải có... người lạ nhé!!
Hãy hướng dẫn cho con cách PHÂN BIỆT người lạ nguy hiểm và người lạ có thể hỗ trợ con. Mặc dù cả 2 đều là những người con không quen biết, nhưng khi con gặp người lạ khiến con cảm thấy lo sợ, không an tâm thì hãy tìm đến những người lạ có thể giúp đỡ con: ví dụ như cảnh sát, cô giáo, bảo vệ...
Luôn Ở VỚI NGƯỜI THÂN khi đến nơi đông người: trẻ con rất hào hứng với những địa điểm mới và muốn tự do khám phá nên rất dễ lạc lối nơi đông người, vì vậy, luôn nhắc nhở con nắm tay bố mẹ hoặc luôn đi cùng với 1 người thân nào đó trong gia đình mà con muốn để khám phá cùng con.
TÔN TRỌNG CẢM GIÁC của con. Người Việt chúng ta hay có tư tưởng nể nang nên khi có ai đó muốn ôm hay chạm mà con không thích thì con hay bị phán xét: "Cho bác thơm tí nào, có gì đâu mà không chịu!"
Nhưng như vậy trẻ sẽ không cảm thấy được tôn trọng và lâu dần, không còn tin tưởng vào cảm giác của bản thân. Đại loại như: "Mình cảm thấy sợ khi gặp người này, sao ba mẹ lại kêu mình ôm họ, như vậy, phải chăng cảm giác của mình là sai?"
Vì vậy, miễn là con cư xử đàng hoàng, từ chối một cách lễ phép thì chúng ta không cần ép con phải chịu đựng những hành động mà con cảm giác không ổn từ những người con gặp.
Luôn ĐI VỚI TẬP THỂ: Người Việt ta có câu: 1 cây làm chẳng nên non, 3 cây chụm lại nên hòn núi cao. Đúng là thường những sự cố đáng tiếc xảy ra khi nạn nhân ở 1 mình, vì vậy, hãy thường xuyên nhắc nhở con đi cùng nhóm, cùng tập thể, khi đến chỗ lạ, hãy luôn tìm kiếm và đồng hành cùng người khác, đừng để mình lẻ loi.
Luôn có những QUY TẮC GIA ĐÌNH cần tuân thủ, chẳng hạn như: luôn báo với gia đình nơi chốn cụ thể của mỗi cuộc đi chơi, nếu đi xa, phải cập nhật cụ thể thông tin; không cung cấp thông tin của gia đình cho người lạ... Để giúp trẻ ghi nhớ rõ kỹ năng này, ba mẹ có thể thường xuyên chơi trò đóng vai để giúp trẻ lường trước các tình huống có thể xảy ra và có cách ứng phó phù hợp.
Cùng con LUYỆN TẬP CHUỖI KỸ NĂNG:
Từ chối (mạnh dạn nói KHÔNG một cách dứt khoát và rõ ràng khi con cảm thấy không an toàn)
Bỏ chạy (chạy thật nhanh đến chỗ người thân hoặc chỗ những người lạ có thể giúp đỡ)
Kêu cứu (vừa chạy vừa la to để thu hút sự chú ý và hỗ trợ của người xung quanh)
Nói ra (nói ra ngay những cảm xúc bất an hay nói về sự việc đã xảy đến một cách cụ thể để gia đình và người xung quanh giúp được con)
Chúng ta không thể ở mãi bên cạnh con, vì vậy, việc quan trọng là rèn cho con những hiểu biết và kỹ năng cần thiết để xử lý tình huống kịp thời, giảm thiểu tối đa các rủi ro có thể xảy ra.