TRẺ LÊN 3 CẢ NHÀ LÚNG TÚNG!
Khi con lên 3 tuổi, không ít bố, mẹ cảm thấy sốc và lúng túng khi con mình từ một đứa trẻ ngoan ngoãn, răm rắp nghe theo lời bỗng dưng trở tính, ngang ngược, ương bướng….
Điều gì đang xảy ra với trẻ như vậy? Câu trả lời là trẻ đang gặp “khủng hoảng tâm lý tuổi lên 3” đấy bố mẹ ạ!
Do vậy bố mẹ cần khéo léo cư xử, ứng phó để có phương pháp dạy con đúng đắn nhất nhé
NGÔN TỪ của con nói ra là ngôn từ con đã nghe được trong 3 năm đầu đời. Nếu bạn thấy phù hợp thì tuyệt vời. Nếu thấy không phù hợp thì đừng đánh con, não bộ con hấp thu cái gì thì giờ con thả ra cái ấy. Đập cái màn hình vi tính không xử lý tận gốc của vấn đề, ta phải đi xử lý phần cài đặt. Con bị ai cài đặt ngôn từ ấy vào con? Và cắt bỏ phần cài đặt ấy bằng cách đừng cho con tương tác với môi trường ấy là xong. Dần dần con sẽ tự thấy ai cũng nói năng lịch sự còn mình nói những lời không phù hợp thì con sẽ bỏ. Khi con nói tục người lớn đừng nhắc lại, việc nhắc lại sẽ in sâu những câu từ ấy vào tiềm thức của con mà thôi.
HÀNH VI của trẻ 3 tuổi là sự mô phỏng lại toàn bộ hành vi của người lớn:
- Cả nhà ôm điện thoại thì con cũng thế
- Ba mắng mẹ thì con cũng thế
- Mẹ đanh đá khi mua hàng thì con cũng thế
- Mẹ nói xấu và xem thường ba thì con cũng thế
- Cô giáo nhẹ nhàng thì khi vào vai cô giáo con cũng nhẹ nhàng như thế .
- Đừng sốc khi con bạo lực với ai đó. Vì con đã được chứng kiến nó nên lấy về làm vốn sống cho riêng mình thôi mà .
- Cả nhà mê đọc sách thì con cũng thế .
CON LÀ TRUYỀN NHÂN CỦA CHÍNH BẠN !
HÀNH ĐỘNG: Khi con 3 tuổi đến 6 tuổi , con rất thích tham gia vào mọi hoạt động của người lớn, lúc này có 2 cách:
A: Cấm con vì sợ hư, sợ bẩn... dần dần con mất tự tin và không có nhu cầu tham gia vào bất kì hoạt động nào của gia đình, tạo nên những đứa trẻ 30 tuổi vẫn còn "trẻ con"
B. Cho con tham gia giặt quần áo, rửa chén, quét nhà, tưới cây... tay chân trẻ hoạt động liên tục => Não bộ phát triển => Hình thành nên những con người năng động và thành công sau này.
UỐN HÀNH VI: Khi con 3 tuổi, bạn không chỉnh sửa những hành vi đúng và hành vi sai cho con thì vô tình con nghĩ mình làm gì cũng được, vô tình con sẽ không phân biệt đâu là việc nên làm, đâu là hành vi sai. Lúc này trẻ sẽ mất phương hướng ....
Trẻ con như 1 cái cây, chúng ta uốn cái cây ấy ngay từ lúc còn non thì dễ dàng hơn hay để con trưởng thành rồi cảm giác bất lực vây quanh - Đó là sự lựa chọn.
YÊU THƯƠNG: Trẻ con hay người lớn cũng vậy, muốn người khác biết mình nghĩ gì thì phải nói ra, bạn phải nói và hành động như thế nào để thể hiện nó thì con mới biết . Ví dụ: Mẹ yêu nụ cười của con, những lúc con cười trông con rất đẹp, mẹ rất hạnh phúc vì con luôn trò chuyện với mẹ những chuyện xảy ra ở lớp, ba tranh thủ đi làm về sớm để hì hục cả buổi chiều chỉ để làm con diều cho con....
KHEN VÀ CHÊ: Đừng khen chung chung là con ngoan quá, con thông minh quá, con giỏi quá mà hãy khen từng chi tiết của con. Ví dụ như "Hôm nay con ăn kẹo và bỏ vỏ kẹo vào thùng rác là 1 hành vi tốt, mẹ thấy con rất lễ phép khi chào bác hàng xóm, ly nước con rót cho mẹ rất mát"....để con ghi nhận từng hành vi tốt và phát huy nó .
CHÊ: Đừng nói con hư quá mà hãy chi tiết hóa hành vi ra: Việc con đòi bánh là không phù hợp vì đã đến giờ ăn cơm, con đánh bạn sẽ làm bạn rất đau và con có muốn mình bị đau giống bạn ấy không....
NHÌN NHẬN: Ba mẹ cứ nghĩ mình đẻ ra chúng nên mình quyết định toàn bộ cuộc sống, suy nghĩ, sở thích của con. Có khi nào bạn vui khi bị người khác bắt bạn phải sống theo suy nghĩ của họ chưa, và trẻ con cũng thế, nó là 1 cơ thể độc lập từ tư duy, sở thích, nhu cầu .
Hãy làm bạn với con, hãy để cho con sống với bạn trên tinh thần của sự tôn trọng. Khi bạn tôn trọng con - con sẽ học cách tôn trọng chính mình và mọi người.
THẾ GIỚI CỦA CON: Khi quan sát các bài văn miêu tả của trẻ lớp 5 tôi nhận ra, nếu trẻ chưa 1 lần đi biển thì bài văn dài trong 2 câu. Nếu đứa trẻ ấy được 1 lần được đến và vui chơi ở đó thì bài văn dài trên 10 câu... vấn đề ở đây là đứa trẻ nào được tham gia trải nghiệm nhiều thì vốn sống càng phong phú. Đứa trẻ nào chỉ ru rú trong 4 bức tường thì nhân sinh quan của trẻ cũng hạn chế theo. Vậy nên hãy lên kế hoạch cho con đi ra khỏi nơi con sống ít nhất 1 năm 1 lần.
TƯỞNG TƯỢNG: Hãy thì thầm với con về những ước mơ, hãy cho con tưởng tượng thật nhiều, con mơ ước sau này con sẽ trở thành ai, sống trong ngôi nhà như thế nào? Ăn mặc ra sao... 99% hiện thực của bạn là do những gì bạn tưởng tượng mà ra.